Huyệt Khúc Trì
KHÚC TRÌ
Tên Huyệt:
Huyệt ở chỗ lõm (giống cái ao = trì) khi tay cong (khúc) lại, vì vậy gọi là Khúc Trì.
Tên Khác:
Dương Trạch, Quỷ Cự.
Xuất Xứ:
Thiên ‘Bản Du’ (LKhu.2).
Đặc Tính:
+ Huyệt thứ 11 của kinh Đại Trường.
+ Hợp huyệt, thuộc hành Thổ.
+ Huyệt Bổ của kinh Đại Trường.
+ Huyệt này với các loại bệnh chứng đều có thể phối hợp trị liệu có tính cách toàn thể.
+ Yếu huyệt trị bệnh ngoài da, bệnh mắt, dự phòng hóa mủ (Châm Cứu Chân Tủy).
Vị Trí:
Co khuỷ tay vào ngực, huyệt ở đầu lằn chỉ nếp gấp khuỷ, nơi bám của cơ ngửaa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khủy.
Giải Phẫu:
Dưới da là chỗ bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khủy.
Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.
Tác Dụng:
Sơ tà nhiệt, Gia?i biểu, Khu phong, Trừ thấp, Thanh nhiệt, Tiêu độc, Hòa vinh, Dưỡng huyết.
Chủ Trị: Trị khuỷ tay đau, cánh tay đau, chi trên liệt, vai đau, sốt, cảm cúm, dị ứng, ngứa, da viêm, huyết áp cao.
Châm Cứu:
Châm thẳng 1 - 1, 5 thốn hoặc xuyên tới Thiếu hải, sâu 2 - 2, 5 thốn.
- Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút..
Ghi Chú: Trong trường hợp châm chữa chi trên liệt, châm mũi kim hơi hướng xuống mặt cong của khớp khuỷ (có cảm giác như điện giật xuống ngón tay).
Tham Khảo:
(“Châm trị huyết áp không ổn định do mạch máu não hình thành: Châm Khúc Trì và Túc Tam Lý thường thấy huyết áp hạ xuống”(Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
(“Khúc Trì phối Tam Âm Giao thường dùng trị bệnh ngoài da có kết qủa tốt. Vì Khúc Trì chủ yếu để khứ phong, thanh nhiệt, còn Tam Âm Giao là huyệt chủ yếu trị bệnh về huyết, có tác dụng hành thấp. Bệnh ngoài da đa số do phong, thấp, nhiệt và huyết, do đó, nếu tả 2 huyệt này có tác dụng khứ phong, hành huyết, trừ thấp, giảm ngứa. Tả Khúc Trì + bổ Tam Âm Giao (Ty.6) có tác dụng khứ phong, dưỡng huyết” (Du Huyệt Công Năng Giám Biệt).