☯ Địa chỉ: P412, HH2A, Linh Đàm, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội

☎ Hotline: 0984.711.502

Khỏe tự nhiên - Đẹp tự nhiên

Thuật dưỡng sinh của Toàn Chân Giáo

Vương Trùng Dương lập đạo

Vương Trùng Dương là tổ sư khai sơn của Toàn Chân giáo. Nhà văn kiếm hiệp Kim Dung đã rất trân trọng khi viết về Vương và các đệ tử của ông. Qua ngòi bút của Kim Dung trong "Xạ điêu anh hùng truyện", "Võ lâm ngũ bá", người ta biết đến Vương Trùng Dương như một anh hùng dân tộc chống quân Kim, một "Trung Thần Thông" võ nghệ siêu quần, đứng đầu trong ngũ bá: Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái.

Vương Trùng Dương (1112-1170) tên thật là Vương Cát, đạo hiệu Trùng Dương Tử, người Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây. Vương xuất thân gia đình giàu có, học hành tử tế, giỏi võ nghệ, từng thi đậu cử nhân võ và làm một chức quan nhỏ. Do bất đắc chí, Vương từ quan về quê, học theo Lão Trang, suốt ngày uống rượu, hành vi phóng túng, lời nói ngông cuồng nên người trong làng gọi là "Vương Hại Phong". Năm Chính Long thứ 4 triều Kim (1138), tại trấn Cam Hà, Vương Trùng Dương gặp được hai tiên nhân đã đắc đạo là Chung Ly Quyền và Lã Động Tân truyền cho "Kim đơn mật quyết".

Vương Trùng Dương.

Từ đó Vương bỏ nhà cửa, lên núi Chung Nam đào  một mộ huyệt (hang) ở trong đó mà tu luyện, gọi là "Hoạt tử nhân mộ". Năm Đại Định thứ 7 (1167), Vương đốt lều cỏ, cầm bình bát bằng sắt đi vân du hành đạo.

Khi đến vùng Ninh Hải thuộc bán đảo Sơn Đông, Vương lập am Toàn Chân, thu nạp 7 đại đệ tử đầu tiên của Toàn Chân giáo, tín đồ theo rất đông, hình thành Bắc tông Đạo giáo, vị thế lớn mạnh. Vương Trùng Dương chỉ truyền đạo trong 3 năm rồi trở về Quan Trung mà hóa (chết), an táng ở Chung Nam. Các đệ tử sưu tập hơn 1.000 bài thơ, văn của Vương, soạn thành "Toàn Chân tập" lưu hành trong đạo.

7 đại đệ tử của Vương Trùng Dương lần lượt nối ngôi giáo chủ để hành đạo, mỗi người lại lập thành một chi phái nhỏ: Mã Ngọc (đạo hiệu Đan Dương Tử) lập Ngộ Tiên phái; Đàm Xứ Đoan (Trường Chân Tử) lập Nam Vô phái; Lưu Xứ Huyền (Trường Sinh Tử) lập Tùy Sơn phái; Khưu Xứ Cơ (Trường Xuân Tử) lập Long Môn phái; Vương Xử Nhất (Ngọc Dương Tử) lập Du Sơn phái; Hách Đại Thông (Quảng Ninh Tử) lập Hoa Sơn phái; Tôn Bất Nhị (Thanh Tĩnh tán nhân) lập Thanh Tĩnh phái.

Khưu Xứ Cơ hành đạo

Các đệ tử của Vương Trùng Dương ra sức phát triển Toàn Chân giáo trở thành một giáo phái hùng mạnh nhất thời Kim, Nguyên, có lúc gần như là quốc giáo, "Toàn Chân đạo sĩ", "Toàn Chân đạo quán" hiện diện khắp nơi. Trong số các nhân vật hàng đầu, công lao lớn nhất là Khưu Xứ Cơ.

Toàn Chân thất tử.

Khưu Xứ Cơ (1148-1227) người ở Thê Hà, Đăng Châu (Sơn Đông), tự là Thông Mật, đạo hiệu Trường Xuân Tử, người đời gọi là Trường Xuân chân nhân. Năm 18 tuổi bái Vương Trùng Dương làm thầy, trở thành một trong "Toàn Chân thất tử" đi truyền đạo các nơi. Sau khi thầy mất, Khưu Xứ Cơ cư tang bên mộ thầy 3 năm, sau đó ẩn cư tu luyện tại Phan Khê, Long Môn Sơn 13 năm mới ngộ đạo, lập ra Long Môn phái, đồ đệ rất đông, nổi tiếng khắp nơi, được Kim Thế Tông hoàng đế triệu vào kinh để hỏi đạo, chủ trì các pháp sự.

Khưu Xứ Cơ thông hiểu thời thế. Khi quân Mông Nguyên nổi lên chống triều Kim, theo triệu kiến của Thành Cát Tư Hãn, năm 1222, Khưu Xứ Cơ lúc ấy đã ngoài 70 tuổi, dẫn 18 đệ tử xuất phát từ Lai Châu, vượt hơn một vạn dặm đường đến Đại Tuyết Sơn thuộc Tây Vực (nay là vùng Afganistan) để yết kiến Nguyên Thái Tổ. Khưu Xứ Cơ đạo hạnh cao thâm, Thành Cát Tư Hãn rất kính trọng.

"Nguyên sử" chép rằng: "Thái Tổ (Thành Cát Tư Hãn) tây chinh, mỗi ngày thường bàn việc với Khưu Xứ Cơ, hỏi về cách bình thiên hạ, đáp rằng phải giới hiếu sát; hỏi về cái gốc trị nước, đáp rằng "kính trời yêu dân" là gốc; hỏi về thuật trường sinh bất tử, đáp rằng lấy "thanh tâm quả dục" làm tôn chỉ. Thành Cát Tư Hãn đãi rất hậu, tôn xưng là "Khưu Thần tiên", ban cho hổ phù, ngọc tỷ, chưởng quản tất cả những người xuất gia trong thiên hạ, xá miễn tất cả thuế má, sai dịch đối với đạo quán, đạo sĩ.

Năm 1224, Khưu Xứ Cơ trở về Yên Kinh (Bắc Kinh), lập đạo quán Thái Cực, sau đổi là Trường Xuân cung, là cơ quan trung tâm của Toàn Chân giáo, giáo đồ phủ kín miền bắc Trung Hoa rồi lan về vùng Giang Nam mà Võ Đang Sơn là tiêu biểu. Năm 1227, Khưu Xứ Cơ qua đời, 18 đệ tử của ông tiếp tục hành đạo, đưa Toàn Chân giáo phát triển đến giai đoạn cực thịnh.

Năm 1269, Nguyên Thế tổ Hốt Tất Liệt sắc phong tổ sư Vương Trùng Dương là "Trùng Dương Toàn Chân Khai Hóa chân quân", phong Khưu Xứ Cơ là "Trường Xuân diễn đạo chủ giáo chân nhân". Mãi đến đời Minh, Toàn Chân giáo mới mất chỗ đứng trong chính trường, dần dần suy thoái, nhưng dòng chủ lưu vẫn chảy xuyên suốt trong dân gian đến nay.

Đạo dưỡng sinh của Toàn Chân giáo

"Toàn chân" nghĩa là phải bảo toàn "tam bảo", tức toàn tinh, toàn khí, toàn thần, không được để tư dục làm hư hao, tổn hại, từ đó mới trường sinh. Toàn Chân giáo yêu cầu mọi giáo đồ phải xuất gia học đạo, cực lực phản đối thuật Ngoại đan (đan dược luyện từ kim loại, khoáng vật) và bùa chú, kế thừa thuật Nội đan (đạo dẫn, hành khí, phục khí…), đề xướng "Tam giáo hợp nhất", cho rằng hạt nhân của Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo đều là ở "Đạo".

Mộ huyệt luyện đạo của Vương Trùng Dương.

Nho chủ về lý, thiền chủ về tính, đạo chủ về mệnh, tam giáo viên dung thì đạo mới thành. Vì thế, theo Toàn Chân giáo phải trì tụng "Đạo đức kinh"của Lão Tử, "Bát nhã tâm kinh" của Thích Ca và "Hiếu kinh" của Khổng Tử thì mới tu chứng.

Nguyên tắc thực tiễn hành đạo của Toàn Chân giáo là "khổ ta lợi người", "lợi ta lợi người", yêu cầu giáo đồ phải khắc kỷ nhẫn nhục, thanh tu khổ hạnh... trước phải tu tính công để minh tâm kiến tánh, sau mới luyện mệnh công để diên niên ích thọ.

Riêng về phương diện dưỡng sinh ích thọ (mệnh công), Trường Xuân Tử Khưu Xứ Cơ có nhiều kiến giải độc đáo trong các trước tác của ông như Nhiếp sinh tiêu tức luận, Đại đơn trực chỉ…

Nói về thuyết Quả dục của Khưu Xứ Cơ, khi Thành Cát Tư Hãn hỏi về bí quyết trường sinh, Khưu Xứ Cơ nói: "Chỉ có thanh tâm quả dục chứ không có thuốc trường sinh". Quả dục là tiết chế dục vọng, giữ sự thuần phác thanh khiết. "Dục" bao hàm sự ham muốn về sắc dục, ăn uống, âm thanh, ham muốn quá mức là gốc của sự tàn hại, làm tổn khí hại tính. Lão Tử nói: "Họa không gì lớn bằng không biết đủ, lỗi không gì lớn bằng muốn chiếm được".

Sự xung đột, tàn hại giữa người và tự nhiên, người và người đều là do dục vọng gây nên. "Ham muốn liên miên bên ngoài, tạng phủ bế tắc bên trong, bơi lội trong sóng hoang dâm, mịt mờ trong cảnh thị phi, thế mà không bại đức tổn sinh là chưa từng có vậy". Vì ít dục vọng nên tâm thân thanh tịnh, điềm đạm hư vô, không tranh với người, thoải mái an nhiên, thần khí sung túc, đó là gốc của trường thọ.

Thuyết thuận theo tự nhiên: Nền tảng của vô vi là thuận theo tự nhiên, không dùng tư dục can thiệp. Trang Tử nói rằng "Thuận theo cái lý của tự nhiên thì không vật gì làm tổn thương thên thể". Các đạo sĩ cho rằng nắm vững quy luật tự nhiên, sống hợp lý cùng vạn vật đang sinh sôi rất có ích cho dưỡng sinh. Từ đó, phương pháp dưỡng sinh thích ứng theo mùa rất được Toàn Chân đạo sĩ chú trọng. "Nhiếp sinh tiêu tức luận" của Khưu Xứ Cơ viết về dưỡng sinh theo bốn mùa.

Một nữ đạo sĩ Toàn Chân giáo ở Brazil.

Hơi ấm mùa xuân đến, vạn vật đều sinh sôi, nhưng tiết mạnh xuân (tháng giêng) và trọng xuân (tháng hai) khí hậu chưa ổn, nóng lạnh thất thường, người lớn tuổi dễ bị mệt mỏi, bệnh cũ dễ tái phát. Cần điều dưỡng bằng ăn uống, không bệnh thì chớ uống thuốc. Mùa xuân mộc vượng nên khí của gan mạnh mà khí của thận yếu. Thường ngủ sớm thức sớm, dạo chơi nơi vườn cây, hít thở khí lành, không nên ngồi một chỗ.

Ba tháng mùa hè thuộc hỏa nên tâm hỏa vượng, mà thận thủy yếu, phải chú trọng dưỡng tâm khí, bổ thận, trợ phế, điều vị. Không nên ăn no, tránh món béo, không ngủ ngoài trời vì nếu nhiễm bệnh thì rất nặng. Trong ăn uống nên tăng mặn, bớt ngọt để bổ thận tạng.

Ba tháng mùa thu thuộc kim lệnh nên phế khí (phổi) vượng, kim khắc mộc, mộc chủ can (gan) nên can khí rất yếu, gan dễ bị bệnh. Do đó trong ăn uống nên tăng vị chua, giảm vị cay để dưỡng gan, tránh thức ăn tanh, sống lạnh. Mùa thu tối kỵ ói mửa, đổ mồ hôi nhiều, nếu không tạng phủ bị tổn thương rất lớn.

Ba tháng mùa đông vạn vật bế tàng, thủy vượng nên thận khí mạnh mà tâm khí (tim), phế khí (phổi) yếu, phải chú ý giữ ấm nhưng không quá nóng. Trong ăn uống phải giảm mặn tăng đắng để trợ thần khí. Người tuổi cao dễ bị cảm nhiễm, không nên ra ngoài khi có sương lạnh.

Chỉ có điều, tuy kiến thức là vậy, nhưng người đời sau, có mấy ai tu tâm tĩnh ngộ được mà tuân theo?

Tin cùng chuyên mục

Thuật dưỡng sinh của Toàn Chân Giáo