Tác dụng chữa tiểu đường của Đậu đỏ
Có nhiều vị thuốc giúp điều trị tiểu đường tại nhà như bí đao, đậu xanh, đậu đỏ, cây cam thảo đất… Trong đó, bài thuốc kết hợp bí đao với đậu đỏ sẽ hỗ trợ rất tốt cho người bị tiểu đường có kèm béo phì.
Được biết, đậu đỏ nổi tiếng là vị thuốc lợi tiểu, giảm cân và làm chậm quá trình giải phóng lượng đường vào máu. Y học cổ truyền còn nhấn mạnh rằng không được uống đậu đỏ lâu ngày vì sẽ gây lợi tiểu mạnh, làm hao gầy. Ngoài ra, đậu đỏ còn có mặt trong các bài thuốc điều trị béo phì, phù tay chân (thông qua cơ chế lợi tiểu). Vì vậy, với người bị tiểu đường có kèm cao huyết áp, mỡ máu cao, béo phì thì đậu đỏ sẽ hỗ trợ đáng kệ.
Bí đao cũng vậy. Bí đao nhiều nước, nhiều chất xơ, giúp thanh nhiệt và lợi tiểu. Trong các bài thuốc điều trị tiểu đường, ta cũng thấy có bài dùng vỏ bí đao kết hợp với các vị thuốc khác (1).
Còn bài thuốc dưới đây sẽ khác một chút, đó là dùng toàn quả bí đao kết hợp với đậu đỏ. Vậy, cách dùng cụ thể như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé!
Cách dùng đậu đỏ và bí đao giúp điều trị tiểu đường
Trong dân gian, thường khi muốn giải độc cơ thể, người ta sẽ lấy một nắm đậu đỏ, nấu chín rồi chắt lấy nước uống (có thể ăn cả cái) và chỉ cần ăn vài lần là được.
Còn với bệnh tiểu đường, dân gian ta có bài thuốc sau:
- Thành phần: 50 g hạt đậu đỏ (xích tiểu đậu) và 1 kg quả bí đao tươi (rửa sạch, xắt lát mỏng).
- Cách dùng: Cho đậu đỏ vào nồi, đổ nước vào, nấu cho tới khi hạt đậu đỏ chín mềm thì cho bí đao vào, nấu cho đến khi bí đao chín thì tắt bếp. Nước này, bạn chia ra uống nhiều lần trong ngày (ước chừng 1 lít, chia ra 3 hoặc 4 lần uống trong ngày là được). Để mang lại hiệu quả cao hơn thì bạn nên ăn cả cái nhé (nếu ngán, ăn không hết cái thì cũng nên ăn 1 nửa).
- Công dụng: Bài thuốc này không chỉ giúp điều trị tiểu đường mà còn giúp giảm mụn nhọt, mẩn ngứa ngoài da do nóng trong người, táo bón…, ngoài ra còn giúp đẹp da, mát da, hỗ trợ giảm cân (1).
Ngoài bài thuốc trên, bạn cũng có thể dùng bài thuốc này để luân phiên, thay thế cho đỡ ngán hơn. Cách dùng như sau: lấy hạt đậu đỏ (loại hạt nhỏ, hay còn gọi là xích tiểu đậu), hạt bo bo (hay còn gọi là ý dĩ) và hạt đậu xanh, mỗi loại từ 30 – 40 g, rửa sạch rồi cùng nấu thành cháo, chia ra ăn 2 – 3 lần trong ngày (mỗi tuần chỉ nên ăn 2 hoặc 3 lần) (2).
Ghi chú: Nếu bạn đang uống thuốc điều trị tiểu đường thì nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng các bài thuốc này (xem có kết hợp được không và gia giảm liều lượng như thế nào, bạn nhé!).
Các nghiên cứu về tác dụng điều trị tiểu đường của đậu đỏ
- Theo tạp chí Food Hydrocolloids, kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm (ăn nhiều chất béo và bị tiểu đường type 2) cho thấy uống chiết xuất từ hạt đậu đỏ có thể giúp giảm cân, giảm mỡ máu và làm giảm đáng kể đường huyết lúc đói. Không chỉ thế, khả năng dung nạp glucose của cơ thể chuột thí nghiệm cũng được cải thiện, tình trạng kháng hoocmon insulin cũng được cải thiện. Đây đều là những tác dụng có lợi đối với quá trình điều trị tiểu đường (3).
- Theo tạp chí International Journal of Food Sciences and Nutrition, kết quả nghiên cứu trên chuột bị tiểu đường cho thấy chiết xuất từ đậu đỏ có chứa các hoạt chất giúp bảo vệ tim không bị stress oxy hóa do bệnh tiểu đường gây ra (4).
- Theo tạp chí Current Nutrition & Food Science, chiết xuất từ hạt đậu đỏ có chứa chất xơ và các hoạt chất giúp ngăn chặn stress oxy hóa ở động vật bị tăng đường huyết và tăng huyết áp, từ đó giúp điều trị bệnh thận và các bệnh do viêm (do tiểu đường gây ra) (5).