☯ Địa chỉ: P412, HH2A, Linh Đàm, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội

☎ Hotline: 0984.711.502

Khỏe tự nhiên - Đẹp tự nhiên

Thuật xem mạch

BÀN THÊM VỀ THUẬT XEM MẠCH

I. Thứ tự và quy tắc khám bệnh
- Thời gian khám bệnh cả ngày, không phải chỉ một buổi sáng sớm. Nghĩa là người bệnh đến có gặp thầy là thầy có khám bệnh.
- Khi những người đến xin khám bệnh, bất luận nam nữ trẻ già đều mời ngồi nghỉ (lâu mau tùy lúc).
- Khi khám nhìn sắc mặt trắng đen, hồng bệu, nhăn nhó, đẹp tươi, nhận xét hình dáng béo gầy, lành dữ và xem mắt, môi lưỡi v.v… (vọng).
- Nghe tiếng nói, tiếng ho, hơi thở, nghe tình trạng bệnh chứng, nghe điệu bộ ý tứ chân tình hay tỷ thí (văn).
- Hỏi tên họ, tuổi tác, nghề nghiệp, và cơ sở hoàn cảnh gia đình. Hỏi đi bộ đến hay đi xe, xe gì, xa hay gần. Hỏi bị chứng bệnh gì. Đã lâu hay mới phát…(vấn).
     Tất cả khi Vọng Văn Vấn ấy đều lựa chiều lựa ý cho đẹp mà hào nhã vui tươi còn thêm phần lễ độ hơn nữa đối với bậc già cả và người chức vị. Những điều đó tuy không cần thiết cho sự khám bệnh, nhưng nó làm cho không khí giữa thầy thuốc và người bệnh thông hòa với nhau, xét ra rất lợi ích cho người bệnh nói bệnh mình ra và thấy thuốc biết bệnh rõ ràng hơn vậy.
- Khi người bệnh để tay trên cái gối xin xem mạch. Họ hỏi “Tay nào trước ạ?”.
- Tay nào trước cũng được, bình thản, trang nghiêm, định thần, tĩnh trí, chú ý vào việc xem mạch. Nhìn bàn tay, cổ tay người bệnh (không lật sấp, lật ngửa, không đè, không cầm mó và bàn tay người ta) nhằm thẳng bộ Quan để ngón tay giữa, lần lượt để 2 ngón tay (ngón trỏ và ngón đeo nhẫn) kia vào bộ Thốn và bộ Xích.
Để 3 đầu ngón tay hơi dựng đứng trên 3 bộ mạch mà bàn tay khom khom không sát vào da thịt họ, cả 2 ngón (ngón cái, ngón út) kia cũng để xa da thịt của họ.
- Trước khinh án rồi trọng án từng đơn vị (đơn khán).
- Sau khinh án rồi trọng án chung cả 3 bộ (tổng khán) ít khi xem trung án.
- Sau khi đã biết bệnh gì, mạch gì rồi, xem luôn sức mạch đi lại, có từ Thốn vào đến Xích không, và có từ Xích ra đến Thốn không.
 (Nếu Thốn không vào đến Xích: thiếu dương lực. Xích không ra đến Thốn: thiếu âm lực. Âm dương không giao liên với nhau: bệnh nặng).
- Đồng thời, đếm số mạch tức có đi đủ 50 chí không. Nếu không đủ là “khí trong tạng đã thiếu” thuộc loại mạch Xúc, Kết, Đợi.
- Việc đếm đủ 50 chí, cả 2 tay của một người bệnh, mất nhiều thì giờ, vì hơi xao lãng thì đếm sai đi, lại phải đếm trở lại từ đầu. Bởi vậy phải tính kỹ, phải thông suốt, xét thấy bệnh ấy “sức mạch hữu dư” khỏi cần phải đếm. Tuy nhiên, nếu người bệnh nào có mạch ấy trong khi tổng khán đã biết ngay rồi vậy.
- Vài chục năm gần đây, tôi xem mạch cho mỗi người bệnh, khi mới đến lần đầu, thường xem 2 lần: sơ khảo và phúc khảo.
      + Xem lần đầu (sơ khảo) mạch đi thế nào, bệnh gì, đã ghi trong trí nhớ, hoặc đã ghi, đã vẽ vào sổ, đã định bệnh, kê đơn thuốc.
     + Xong xem lại ngay (phúc khảo) nếu mạch bệnh khác trước, thì phải định bệnh biên toa thuốc khác. Bấy giờ mới đúng, người bệnh mới hài lòng.
- Người bệnh đem thuốc về uống. Kỳ sau họ tái khám (tùy thời gian theo giấy hẹn), bấy giờ chỉ xem mạch 1 lần để tìm kết quả.
Đó là thủ tục và quy tắc soạn giả khám một căn bệnh.

II. Cái gối xem mạch
     Khi người bệnh ngửa bàn tay trên cái gối để thầy thuốc xem mạch, nhờ cái gối ấy cho mạch nó êm không rung động đường mạch. Tất cả ai cũng hiểu như thế. Thật ra chuyện cái gối rất tầm thường phải nói làm chi. Nhưng có 1 điều là có mấy vị thầy không để ý (người bệnh không biết dĩ nhiên). Đó là:
- Khi bàn tay để ngửa, chỗ lưng cổ tay và bàn tay giáp nhau nó hơi cong lên, nếu không có cái gối lót phía dưới, thì khi thầy thuốc để tay xem mạch, chỗ cổ tay hơi cong lên ấy bị gấp xuống, đường mạch cũng gấp xuống. Nhất là lúc trọng án nó càng gấp xuống hơn, thì đường mạch bị díu lại rất khó xem. Bởi vậy phải có cái gối lót dưới cổ tay cho bằng cho chắc. Cái gối lót cổ tay ấy chỉ tròn gọn bé nhỏ đâu có phải gối bông cho lớn, cho cao, cho mềm mới dễ xem mạch (cao quá, mạch máu nơi tay bị giốc xuống; mềm quá, cổ tay lọt sâu xuống gối còn mạch đâu mà xem).

III. Vệ sinh
Vấn đề giữ vệ sinh, khi y giới chúng ta xem mạch cho người bệnh, đa số quý vị đã rõ, còn nói làm chi? Nhưng những người mới vào nghề chưa hiểu, tưởng cần phải nói ra.
Nói chung, những người bệnh bất luận nam nữ trẻ già, các quý vị ấy tuy đều đã giữ vệ sinh riêng rất sạch sẽ. Nhưng khi bệnh độc khí trong người xì hơi, sao mà giữ được, có người xì ra cái thứ hơi nồng nặc ghê gớm. Tất cả đều phải tránh.
Khi xem mạch cho người bệnh nằm trên giường bệnh, ta để cái ghế ngồi kế bên giường bệnh, ngồi giữa tầm người bệnh, duỗi thẳng tay để tay xem mạch là vừa, tức là ngang với bụng ngực của người bệnh. Nơi đây dù hơi ở da thịt có xì ra cũng nhẹ. Đối với người bệnh phái nam độc khí xì ra đằng miệng, ta không ngồi gần đầu họ. Đối với người bệnh phái nữ, độc khí xì ra đằng hạ thể, ta không nên ngồi gần phía chân họ.
Ngoài ra còn 2 bàn tay người bệnh, khi ta xem mạch, người bệnh nằm trên giường hay ngồi trên ghế, ta đều chú ý quay mặt ra phía ngoài, không nên sát gần bàn tay của họ vì có khi hôi nồng khá sợ (điểm này ít ai để ý).
Thật vậy, tất cả mọi khía cạnh vệ sinh khi xem mạch nói trên chúng ta cần phải giữ để tránh truyền nhiễm.
Vấn đề này bên Tây y khi khám bệnh dùng cái khăn che miệng mũi rất tốt. Chúng ta nên bắt chước.

IV. Phúc khảo
Xem mạch lần sau nó lại khác lần trước ngay trong lúc đó. Việc này nhiều vị thầy thuốc không tin, xin cứ thử.
Tôi thấy khi xem mạch lại, nó khác trước, thường là ở tay trái (Tâm, Can, Thận) và ở nữ giới. Bởi thường tình, nữ giới hay nhu nhuận, gặp sự xúc động đột xuất đến mình, Tâm can rung chuyển, Đởm khí nhút nhát. Tâm Can rung sợ, mạch máu chạy không đều, nên mạch tay nó khác đi. Sau vài phút nói chuyện bệnh tật, không khí giữa thầy thuốc và người bệnh thông cảm nhau, tâm thần yên định, mạch trở lại đường chính. Bấy giờ mới hiện đúng mạch.
Một cô gái tuổi đã 40, người tri thức. Một hôm cô được người cha đẻ dẫn đến nhờ tôi xem mạch.
Khi tôi đang xem mạch tay trái của cô. Chợt cô hỏi người cha “Cụ xem mạch cho cha, cha có thấy gì khác trong người cha không? Sao cụ xem mạch cho con, con thấy run cả người?”.
- Không, cha có thấy gì khác đâu.
Thật vậy: Xem mạch cho những người bệnh mới đến lần đầu phải “phúc khảo”. Nếu không, chắc bị sai lầm.
 
V. Vẽ mạch
Mỗi khi xem mạch cho người bệnh, ta nên vẽ đường mạch của họ ra để so đọ mà suy xét nghiên cứu, tức là ta tự học. Nếu cứ để trong trí nhớ mà suy luận sẽ quên đi, khiến ta lâu biết.
Cách vẽ khi bắt đầu biết xem: Ta vẽ vào bệnh án của họ (bệnh án ghi tên tuổi, ngày tháng về bệnh chứng).
Vẽ 2 hình chữ nhật: mỗi hình dài 3 phân, ngang 2 phân, rộng dài hơn tùy ý.
Hai hình chữ nhật để rõ 2 tay (trái và phải).
Bề dài 3 phân, chia 3 khoảng, mỗi khoảng 1 phân ghi rõ 3 bộ mạch Thốn, Quan, Xích.
Khi xem mạch thấy mạch Phù vẻ cong cong lên, thấy Trầm vẻ nét chìm sâu xuống, Khẩn vẽ nét to, Huyền vẽ nét nhỏ, Khẩn dài vẽ dài, ngắn vẽ ngắn, Huyền dài vẽ dài, ngắn vẽ ngắn. v.v… các mạch khác vẽ theo “mật mã” tùy ý riêng của mình. Vẽ như vậy thấy ở bộ nào tay nào vẽ vào bộ ấy tay ấy. Thấy ở cả 3 bộ, vẽ thông suốt cả 3 bộ.
Vẽ xong, nhìn hình tượng mạch suy luận với những chứng bệnh của người bệnh ấy mà nhận định, rất mau biết.
Vẽ mạch ngày nào đề rõ ngày ấy để xem uống thuốc ấy ngày sau nó biến chuyển thế nào? Kết quả ra sao? Rất dễ so sánh.
Nhất là xem mạch cho người mới đến lần đầu ta vẽ mạch ra. Khi xem lại (phúc khảo) ta cũng vẽ ra sẽ thấy khác trước. Đó cũng là chứng thực cho chữ “phúc khảo” nói trên.
 
VI. Nhân thần
Thần trong con người. Bởi đâu?
- Tâm thần: Thần tự trong Tâm tàng trữ phát ra, tức là Thần gốc ở Tâm. Địa vị Tâm rất cao quý, rất trong sạch làm chủ 12 cơ quan trong người (Tâm tàng Thần, Tâm hồ, Thần hổ, Chí tôn chi quý, Chí thanh chi tịnh, Thập nhị quan chi chủ). Thần là nơi cao quý trong người.
Tâm linh: Thần là Thần linh bởi Tâm. Tâm có trong sạch Thần mới linh.
Thần hồn: Thần phải có hồn ở Can giúp sức (Can tàng hồn). Thần mới minh mẫn.
Thần khí: Thần có hồn ở Can, còn phải có Khí ở Đởm. Thần có khí lực ở Đởm mới làm việc can đảm, tức là có Nhân thần chỉ huy trong đó (Đởm khí tùy nhân thần sở tại).
- Tinh thần: Thần phải nhờ có Thận tinh đầy đủ, Thần mới tinh khôn cương kiện.
     Người nào không có các yếu tố trên là không có Nhân thần, dù có, Thần ấy cũng suy kém. Nhìn người có Thần hay không có Thần biết ngay: Khôi ngô tuấn tú, khí sắc quang lượng là có Thần. Tối tăm nhăn nhó, khờ khoạng lừ đừ làm sao có Thần?
Nói như vậy, thấy rõ con người có Tinh có Khí mới có Thần.
Tinh, Khí hữu hình có đầy đủ mới khải phát cái Thần vô hình khôn sáng, cương quyết mà cao rộng.
Tuy nhiên, Thần ấy bởi “Tâm” chủ trương (như nói trên). Tâm thần luôn luôn liên hệ với nhau.
Cho nên trước khi xem mạch, có tĩnh tâm định thần mới xem thấy đường mạch chính xác. Nếu không, tài giỏi gấp mấy xem mạch cũng lạc.
Như vậy xem mạch phải đúng lúc mới hay. Lúc Tâm thần yên định hăng say muốn xem mạch là lúc có Nhân Thần. Thật vậy, không sai.
Nhân thần nói đây là Thần uy, Thần lực của con người. Khác với chữ “nhân thần” theo đường kinh lạc đi lại vòng quanh khắp người trong từng ngày giờ, từng can chi vậy.
Thầy thuốc nhân thần cao, tài học rộng, danh vọng lớn, trị bệnh giỏi, nhưng có 2 trường hợp khó (hay không) trị được bệnh.
     + Nhân thần cao hạ: Nhân thần thầy thuốc đã cao cũng khó (hay không) trị được bệnh cho người có Nhân thần quyền lực cao hơn. Vì nhân thần trên đã át nhân thần dưới. Nhân thần dưới sao còn đủ uy lực trị bệnh. Chỉ khi nào Thần trên dưới hòa đồng không phân biệt mới có thể trị được. Có chăng?.
     + Nhân thần một chiều: Nhân thần thầy thuốc dù trị bệnh giỏi, nhưng khi đã đem Nhân thần ấy nghiên cứu sang lãnh vực khác cao rộng hơn, dù còn giữ việc trị bệnh cũng ít (hay không còn) linh diệu như trước nữa, vì Nhân thần đã chưyển hướng khác. Nghĩa là Nhân Thần của mỗi người chỉ có thể nghiên tinh đến cao độ được một chiều không thể tham cầu. Có chăng?.

VII. Nói dựa
Tất cả mọi sự lý trên đời, điều nào có người hỏi mình, mình không biết còn phổng theo ý kiến của người khác mà nói ra, là nói dựa.
Nói dựa để làm gì? Để che lấp sự không biết của mình, để tỏ ra ta là kẻ biết, để khoe tài, lấy danh và thủ lợi.
Như vậy, nó dựa không có thực chất, người đời khinh khi, xấu.
Ta thường nghe nói “thầy bói nói dựa”, có ý chê một vài thầy bói nào đó không có thực tài phải nói dựa.
Không nghe ai nói “thầy thuốc nói dựa”. Thật ra thầy thuốc chúng ta nói dựa khá nhiều, khá đông mà không ai biết (điểm này nói ra đây, có người bảo là “vạch áo xem lưng”. Nhưng thực sự mà nói: “chúng ta phải nói dựa, chúng ta có nói dựa”).
- Chúng ta phải nói dựa: Khi ta mới vào nghề, gặp người bệnh tuy ta có để tay xem mạch, nào đã biết phù trầm ra sao! Đành phải nói dựa, nói dựa trong khi Vọng Văn Vấn phỏng đoán cao, tâm lý giỏi cũng nói ra được những điểm đúng bệnh làm cho người bệnh hài lòng.
Người bệnh hài lòng bảo nhau đến đông. Ta nhờ chỗ đông ấy có mạch để mà xem, mà học. Vậy ta phải nói dựa để học mạch.
Chúng ta nói có nói dựa: Khi tay nghề chúng ta đã cao, người bệnh đến xin xem mạch, dĩ nhiên xem mạch là biết bệnh, nhưng phải cái lúc tâm trí ta phôi pha không muốn xem mạch thì cũng để tay làm có cho qua rồi dựa vào Vọng, Văn, Vấn nói ra những bệnh chứng rất đúng (nên biết vọng, văn này đã ở giai đoạn cao khác với vọng, văn, vấn lúc mới vào nghề). Người bệnh tin tưởng hài lòng, đâu có biết là ta chưa xem mạch. Thế là chúng ta có nói dựa.
Nhận định hơn nữa mà nói:
- Những mạch gia thiên tài, những vị xem mạch hơn chiếu điện v.v…Tất cả quý vị dù xem mạch nói bệnh rất hay rất đúng, rất tài, nhưng cơ bản của quý vị tối đa tinh tường về Vọng, Văn, Vấn mà nói dựa ra. Lại những lúc xem mạch mà phan tâm cũng nhằm vào Vọng, Văn, Vấn mà nói dựa cho qua, chứ không thể nói rằng: “không khi nào nói dựa”.
Những điểm nói dựa kể trên chỉ là lý luận cho vui.

     Điểm quan trọng xét ra: Khi còn phải nói dựa - Khi đã biết xem mạch đều là cho thuốc để trị bệnh cả. Vậy mà giá trị hai thời kỳ khác nhau.
     + Khi còn phải nói dựa: Trị bệnh nhằm vào thuốc mà trị. Ví dụ: đau bụng kinh kỳ uống Hương Phụ, Phong ngứa uống Thương Nhĩ tử, Đầy hơi uống Lương khương v.v…Nhưng lòng vẫn hồi hộp hồ nghi, không biết rằng: Bệnh có phải thế, thuốc thế có phải hay không? Nếu sau đó được tin “con uống thuốc ấy khỏi, thầy ạ” thì cũng vui vui, nhưng đó là may mà trúng. Ngược lại suy tính cách nào cũng luẩn quẩn vòng quanh mịt mù, không có hướng điều trị.

     + Khi đã biết xem mạch: Trị bệnh nhằm vào mạch bệnh mà trị. Thí dụ: mạch Trì ở Tỳ Vị, Tỳ vị hàn cho ôn Tỳ Vị. Mạch Sác ở Tâm, Tâm nhiệt cho thanh tâm v.v…Phương hướng đều trị rõ như ban ngày đâu có còn hồ nghi.
Thật vậy! giá trị trị bệnh 2 thời kỳ khác nhau xa vậy.

     Tóm lại: Chúng ta vào nghề y phải biết nói dựa. Nói dựa để có thời gian học mạch. Nói dựa cũng là một khoa rất khó đâu có dễ. Nói dựa để thành tài cũng tốt đâu có xấu.
     Thưa quý vị: Trong số muôn ngàn lương y, vị nào quả quyết: “tôi không hề nói dựa bao giờ”. Xin kính phục.

VIII. Bực mình
     Nghề xem mạch của y giới chúng ta nó là công việc thường ngày đâu có khó dễ gì với ai. Vậy mà tâm trạng chung xét ra cũng có trường hợp bực mình. “Bực mình mà chẳng nói ra hay nói ra cũng thế thôi”.
- Đó là việc:  Xem mạch giùm.
Ôi! Ông này nhờ thầy xem mạch giùm. Tôi có bệnh gì? Bà kia nhờ thầy xem mạch giùm, kỳ này tôi sanh trai hay gái v.v…
Những ông bà ấy là hạng khách không thể từ chối, bắt buộc phải xem mạch giùm. Đã rằng xem mạch giùm hẳn là “không công”.
Ai có hiểu cho, xem mỗi một mạch, phải vọng, văn vấn phải mò đủ kinh án, trọng án. Tâm Can Tỳ Phế tạng phủ nào phù trầm hoạt khẩn. Bộ nào suy vượng. Tay nào âm dương thăng giáng, phải tìm mạch lực vãng lai, phải đếm mạch tức thiểu đủ, phải định âm mạch dương mạch mới quyết đoán được bệnh thế này thế nọ.
Nghề xem mạch là nghề cao quý, công phu học hỏi khá nhiều đâu có dễ gì! Mỗi khi xem xong một mạch, mất nhiều thì giờ, hao tổn tâm tư, nào ai hay biết. Vậy mà bị “xem mạch giùm hoài”. Sao không bực mình !
Xem giùm tức là không công. Không công tức là người nhờ xem coi giá trị việc làm của người xem mạch không đáng 1 đồng xu (bực mình). Đã vậy xem mạch còn có tính cách thử tài (bực mình). Xem xong mà đúng tất nhiên có 2 tiếng cảm ơn ríu rít hơn thường lệ. Ngược lại bị cái mỉm cười theo tia mắt ném vào mình khá sâu (bực mình).
Thưa độc giả: Như vậy mỗi khi xem mạch giùm là mỗi khi bị bực mình. Có chăng?.

                          

 
KẾT NGỮ
Lá cành bông trái tốt tươi
Ngọt thơm, cây gốc nhờ người trồng vun!
Muôn sông, ngàn suối nước tuôn
Uống ngon, tắm mát, khơi nguồn từ đâu?
 
Thám bản, cầu nguyên ( thăm gốc cây, tìm nguồn nước) 4 chữ lớn ở quyển đầu trong bộ Y học nhập môn, tác giả Nam Phong Lý Diên Tiên sinh, người có ý nói tìm nguồn gốc y đạo từ đâu ? để biết mà tôn kính!
Kẻ hậu sinh này “ học mạch” xin phép mượn ý nghĩa 4 chữ “Thám bản, cầu nguyên” ấy viết ra đây tìm xem ai là người sáng chế mạch pháp lúc ban đầu? cũng biết để tôn kính !
Đời Thượng cổ Huỳnh Đế sai Linh Luân đến hang núi Côn Luân cắt ống trúc ( loại trúc có từng ống, mỗi ống đều rỗng ruột, đầu đuôi dầy mỏng đều nhau) chế ra 12 ống luật Hoàng chung, nghe tiếng hót chim Phượng Hoàng thổi lên âm thanh thư hùng ( 12 ống trúc chia ra 6 ống Luật thuộc dương, 6 ống Lã thuộc âm) – ( Ấu học Quỳnh Lâm, mục chế tác).
Kỳ Bá theo hình tượng luật Hoàng chung ấy đối chiếu với mạch Thốn khẩu của con người sáng tác mạch pháp có âm dương phù trầm ( Y học nhập môn, quyển đầu)
Vậy Kỳ Bá là người chế ra mạch pháp lúc ban đầu.
 
Nghĩ xa xin lại nghĩ gần.
Định Ninh tôi soạn dịch, đã sáng tác và cũng đã ấn hành được một số sách về y dược học, nhất là quyển Học mạch này cũng có phần phổ thông và thiết thực. Tôi nghĩ lớn nhỏ gì cũng đã được người khen tặng “ một lương y hữu danh”.
Danh tuy nhỏ mọn, cũng:
+ Nhờ có công ơn “sinh thành giáo dục” của thân phụ tôi.
Cụ Định Ninh - Lê Thế Trạch ( 1857 - 1942) – (một danh y vùng Ninh Cường – Hải Hậu) đã tận tụy vì con trong cái tuổi vị thành niên.

  • Bụng không, sáng tối ngồi ôn sách, không học à, roi mây chi véo véo.
  • Áo mỏng, đêm đông dậy học bài, không dậy hả? nắm tóc giật bưng bưng.

+ Nhờ có công ơn “ hữu ái giáo dục” của Đệ tam bào huynh tôi.
Ông Xuân Phương- Lê Bích Tuệ ( 1895 – 1966) – ( một danh y vùng Thanh Nghệ) đã hết lòng với em.

  • Khi đang học: Rau khoai cũng học, thi cho đậu.
  • Khi đậu rồi: Mày làm Đề lại, tao đánh chết.

     Định Ninh tôi nhờ công ơn ấy mới có sự thành công trong nghành y học ngày nay. Vậy xin phép viết đôi lời kể trên trong bài “ Kết ngữ” quyển Định Ninh Tôi Học Mạch này để tỏ lòng bái tạ công ơn cao cả của cha anh chúng tôi cho có bút ký.

Xin quý vị miễn thứ.

Soạn giả

 LY Định Ninh Lê Đức Thiếp

 

Tác giả bài viết: Thiếu Phúc sưu tầm

Nguồn tin: Định Ninh Tôi Học Mạch, Hội & CLB YDDT Sở Y tế Tp HCM - 1985

Tin cùng chuyên mục

Giải thích một số từ về mạch Thuật xem mạch Bắt mạch: Thiết chẩn - Mạch Thốn khẩu Nguyên nhân gây bệnh y học cổ truyền Huyết là gì? Tinh là gì? Các huyệt chữa ù tai Bấm Huyệt trị buồn nôn hiệu quả nhất Huyệt khích môn có tác dụng điều tiết tuần hoàn trị bệnh tim Huyệt Kiên Tỉnh